Nhồi máu cơ tim

Mối hiểm họa vô hình

Các căn bệnh của hệ tuần hoàn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ở Đức, năm 2020 ghi nhận khoảng 338,000 ca tử vong do bệnh tim mạch, chiếm hơn 1/3 trong số 985.500 ca tử vong. Phần lớn trong số này là bệnh thiếu máu tim cục bộ và nhồi máu cơ tim

Các bệnh tim mạch cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở châu Âu, ngay trong năm 2013, khoảng 644.000 người đã chết vì các căn bệnh này. Latvia đứng đầu châu Âu về tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim là 461 trên 100.000 dân. Trong khi đó, Pháp và Tây Ban Nha có tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch thấp, điều này có thể đến từ lối sống lành mạnh.

Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới (WHO), bệnh tim mạch vành (CHD) là một bệnh mãn tính được xếp hạng là kẻ giết người số một ở các nước công nghiệp hóa phương Tây. Động mạch vành bị thu hẹp dẫn đến rối loạn tuần hoàn, trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Một cơn nhồi máu cơ tim xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn do cục máu đông, kết quả là một phần cơ tim không còn được cung cấp oxy.

40% số người mắc phải tử vong trong ngày đầu tiên, gần một nửa trong số này bị chết tim đột ngột. Trong dài hạn, suy nhược cơ tim tiến triển là kết quả của các sẹo ở mô, đặc biệt là trong các ca nhồi máu cơ tim nghiêm trọng.

Đó là lý do khiến chúng ta cần xem xét kỹ hơn. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, ngay cả khi các cơn đau tim diễn ra đột ngột, các tín hiệu cảnh báo thường có thể xuất hiện trước đó khoảng bốn tuần. Tuy nhiên, các dấu hiệu này lại thường bị chúng ta bỏ qua.

Dấu hiệu đầu tiên của cơn nhồi máu cơ tim là gì?

Các dấu hiệu điển hình của cơn nhồi máu cơ tim là: Cảm giác thắt chặt hoặc áp lực mạnh mẽ ở ngực, đau nhói, nóng rát hoặc tức ngực sau xương ức. Cơn đau lan ra cánh tay trái hoặc phải, lưng, cổ hoặc bụng trên.

Khi gặp những triệu chứng này, người bệnh có thể cảm thấy bồn chồn (cảm giác sợ chết), gương mặt tái xám.

Nếu lưu lượng máu không được phục hồi trong vòng vài giờ, một số mô cơ tim sẽ chết. Khi một người ngã quỵ, bất tỉnh, tim ngừng đập – đột tử do tim xảy ra. Các nghiên cứu ước tính rằng khoảng một nửa số ca tử vong do các bệnh tim mạch có thể là do đột tử do tim.

Để chẩn đoán nhồi máu cơ tim, các bác sĩ cho làm xét nghiệm điện tâm đồ và phân tích các dòng điện tim. “Tuy nhiên, tiêu chí quan trọng nhất trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim là xét nghiệm troponin”.

Phát hiện bệnh nhờ tham số troponin

Troponin là thông số quan trọng nhất trong việc phát hiện nhồi máu cơ tim. So với các thông số khác, giá trị troponin tăng sớm hơn, tức là 3 giờ sau khi mạch máu bị tắc và vẫn có thể đo được chỉ số trong máu trong vài ngày. Giá trị troponin càng cao thì nguy cơ nhồi máu cơ tim càng cao.

Troponin là một loại protein trong cơ tim, nó được giải phóng vào máu khi cơ tim bị tổn thương.

Nhồi máu cơ tim có tính di truyền hay không?

Di truyền là một trong những yếu tố rủi ro chúng ta không thể tác động. Trong những gia đình có tiền sử, nguy cơ mắc bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim phần lớn do di truyền. Theo tổ chức Tim mạch thế giới việc kiểm soát các yếu tố rủi ro là đặc biệt quan trọng và hiệu quả.

Trong những nghiên cứu gần đây hơn, hầu hết các cơn nhồi máu cơ tim được ghi nhận ở nam giới trong độ tuổi từ 68 đến 76. Ở phụ nữ, các cơn đau tim xảy ra chủ yếu ở độ tuổi từ 76 đến 84. Tuy nhiên, ngay cả những người trẻ tuổi cũng có thể bị nhồi máu cơ tim. Về cơ bản, nguy cơ tăng theo độ tuổi. Tuy nhiên, nhồi máu cơ tim có thể xảy ra ở lứa tuổi 20.

Một lý do có thể là sự phát triển sớm của bệnh xơ cứng động mạch. Xơ vữa động mạch là một bệnh mạch máu trong đó các động mạch bị thu hẹp do cặn lắng. Điều này có thể làm giảm lưu lượng máu hoặc trong trường hợp xấu nhất là ngừng hoàn toàn. Trên thực tế, trong một số ít trường hợp, nó có thể xảy ra ở độ tuổi từ 20 đến 30.

Với khoảng 300.000 ca đau tim mỗi năm, cơ hội sống sót theo thống kê là khoảng 85%. Nhưng khoảng một phần tư bệnh nhân đau tim được điều trị can thiệp không còn sống sau năm năm.

Ngoài tuổi của bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của nhồi máu, tỷ lệ tử vong lâu dài cũng phụ thuộc vào chỉ số khối cơ thể.

Nhồi máu cơ tim diễn ra trong thầm lặng

Trong trường hợp nhồi máu cơ tim thầm lặng, tỷ lệ tử vong thậm chí còn cao hơn vì rất khó để phát hiện ra. Với những cơn nhồi máu cơ tim âm thầm, những người mắc bệnh không cảm thấy bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào và đây là điều khiến nó trở nên nguy hiểm vì không được điều trị kịp thời. Về nguyên tắc, nhồi máu cơ tim thầm lặng tiến triển giống hệt với nhồi máu cơ tim có triệu chứng – ngoại trừ các triệu chứng thông thường như đau ngực, tức ngực, khó thở, buồn nôn và đổ mồ hôi lạnh. Các phần của cơ tim bị chết là kết quả của rối loạn tuần hoàn. Nguy cơ mắc các bệnh thứ phát tăng lên.

Hành động nhanh chóng rất quan trọng

Nếu người thân, đồng nghiệp hoặc ai đó có dấu hiệu bị nhồi máu cơ tim, hãy áp dụng những điều sau: Hành động nhanh chóng và bình tĩnh, gọi xe cứu thương ngay lập tức. Xác suất sống sót sau cơn nhồi máu cơ tim là lớn nhất nếu được điều trị lâm sàng ngay lập tức. Những người không được trợ giúp y tế chỉ có cơ hội sống sót khoảng 40%.

Chú ý đến chế độ ăn uống

Nếu bạn tập thể dục đầy đủ, tránh căng thẳng, ăn một chế độ ăn uống cân bằng và theo dõi huyết áp của mình, thì bạn đang làm đúng. Khám tim mạch cũng rất hữu ích để phát hiện sớm các bệnh như suy tim, cao huyết áp hoặc co thắt mạch máu.

Giáo sư Hans Hauner giải thích: “Trà xanh có thể làm giảm phần nào nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và cao huyết áp. Trên thực tế trà xanh có thể ảnh hưởng tích cực đến quá trình chuyển hóa chất béo (chuyển hóa lipid) cũng như chuyển hóa đường (chuyển hóa glucose). Chuối là một phương thuốc thần kỳ, tốt cho cả tim mạch. Một quả chuối (110 gam) chứa 432 miligam kali. Kali làm giảm huyết áp, ổn định lưu thông máu và do đó có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Một nhóm các nhà khoa học Úc gần đây đã phát hiện ra rằng ăn sữa chua thường xuyên có tác dụng bảo vệ tim. Bột yến mạch cũng chứa nhiều chất xơ hòa tan từ yến mạch nguyên hạt, giúp giảm lượng cholesterol hấp thụ vào cơ thể. Điều này đã được chứng minh là giúp giảm cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Những người tiêu thụ nửa nắm hạt vài lần một tuần rất có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Điều này là do các loại hạt cung cấp axit béo có lợi và chứa các thành phần bảo vệ tim như vitamin E, axit folic, chất xơ và các hợp chất thực vật thứ cấp. Dâu tây, mâm xôi và việt quất cũng rất tốt cho tim mạch. Theo các nghiên cứu, việc ăn bơ thường xuyên có tác động tích cực đến mức cholesterol HDL nhờ vào hàm lượng axit béo không bão hòa cao.

Táo rất tốt cho tim mạch là kết quả nghiên cứu từ Đại học California được công bố trong ấn phẩm mùa đông của Tạp chí thực phẩm chữa bệnh. Nghiên cứu cho thấy táo có tác dụng giống như rượu vang đỏ và trà: Là chất chống oxy hóa, chúng thúc đẩy quá trình phân hủy cholesterol xấu (LDL), chất dẫn đến xơ cứng động mạch.

Niềm đam mê cho cuộc sống là điều thiết yếu

Dietrich Andresen, Chủ tịch Tổ chức Tim mạch Đức và là bác sĩ tim mạch tại Berlin, đưa ra một câu trả lời tuyệt vời đáng ngạc nhiên khi được hỏi: Lời khuyên yêu thích của bạn là gì? Ông trả lời: “Mọi người nên tận hưởng cuộc sống nhiều hơn một chút! Có những nghiên cứu chỉ ra rằng những người không hài lòng với bản thân mình, nhóm người dễ bị tổn thương, những người thiếu niềm đam mê với cuộc sống khiến họ dễ mắc bệnh và điều này thúc đẩy những bệnh liên quan đến tim mạch. Do đó, tôi khuyên mọi bệnh nhân: Hãy giữ niềm say mê của bạn cho cuộc sống”.

Vì vậy hãy giữ sức khỏe và giữ niềm say mê của bạn cho cuộc sống.

No css
No Extra Html